Bài viết cùng chủ đề:
Một lần nữa, tôi xin nhấn mạnh thế nào là yêu bản thân. Vô cùng đơn giản, một người yêu bản thân có nghĩa là họ có những niềm tin tích cực về bản thân và biết cách đánh giá đúng giá trị của mình.
Nếu lúc nào cũng đánh giá quá thấp bản thân mình so với thực tế, có nghĩa là bạn yêu bản thân chưa đủ (low self-love/ low self-esteem). Nếu ngược lại, khi bạn thổi phồng giá trị của bản thân, ngộ nhận về tầm quan trọng và khả năng của mình, đó là bạn đã yêu bản thân thái quá hay còn gọi là ái kỷ (narcissistic).
Tác giả Linda Sanford và Mary Donovan trong cuốn sách “Woman & Self-esteem” của mình có giải thích: “Mức độ yêu bản thân ảnh hưởng đến mọi thứ chúng ta nghĩ, nói và làm. Nó ảnh hưởng đến cách chúng ta nhìn thế giới và vị trí của chúng ta trong đó. Nó ảnh hưởng đến cách những người khác nhìn và đối xử với chúng ta. Nó ảnh hưởng đến những quyết định và lựa chọn lớn nhỏ chúng ta thực hiện trong cuộc sống. Nó ảnh hưởng đến khả năng cho đi và đáp lại tình yêu. Và nó ảnh hưởng đến động lực và hành động của chúng ta để thay đổi những thứ cần phải thay đổi”.
Khi bạn có một tình yêu bản thân lành mạnh, bạn sẽ phát triển được lòng tự trọng lành mạnh, bạn sẽ nhận thức được tiềm năng của mình, hiểu rõ cá tính và sự độc đáo của bản thân mình, bạn cũng sẽ coi trọng và tôn trọng chính mình.
Và một điều quan trọng nữa là, bạn sẽ biết tha thứ và chấp nhận những điểm không hoàn hảo của bản thân mình bởi bạn hiểu trên đời này không có gì là hoàn hảo, bạn vẫn sẽ yêu mình khi bản thân có mắc sai lầm và vấp ngã.
Thông thường, những người không biết yêu bản thân không nhận ra rằng mình đang trong tình trạng như vậy cho đến khi một ai đó nói rằng “cậu phải biết cách yêu bản thân hơn đi”.
Vậy làm thế nào để nhận ra những hành vi và suy nghĩ tiêu cực về bản thân như vậy? Hãy cũng tìm hiểu 10 dấu hiệu sau nhé.

Dấu hiệu 1: So sánh bản thân với người khác.
Khi quá chú ý đến cuộc sống và sự thành công của người khác, bạn sẽ cảm thấy giá trị bản thân của mình giảm mạnh bởi luôn cho rằng mình thật kém cỏi so với người khác. Khi vào instagram hay facebook, bạn có công nhận rằng chúng ta ai cũng sẽ có một người bạn hoàn hảo không ty vết không, cô ấy xinh đẹp và thời trang, cô ấy thành công, sự nghiệp sáng lạn, cô ấy luôn đi du lịch và check in ở những nơi sang trọng, cô ấy có một người bạn trai tuyệt vời, blah blah.
Nhưng, bạn biết rằng trên mạng xã hội, người ta thường cố gắng khoe ra cho bạn những gì tốt đẹp nhất mà họ có – thậm chí tốt đẹp hơn cuộc sống thật sự của họ chứ? Bạn sẽ chẳng biết đến những giây phút buồn bã, thất vọng, cô đơn, những giọt nước mắt, những thất bại ê chề của họ đâu.
Vậy nên, hãy tập trung vào cuộc hành trình của chính bạn thay vì liên tục so sánh mình với người khác.
Dấu hiệu 2: Không ra khỏi nhà nếu thiếu lớp trang điểm
Thật ra cá nhân tôi thấy rằng việc trang điểm không có gì đáng lên án, thậm chí tôi ủng hộ việc phụ nữ trang điểm và làm đẹp. Sẽ không thành vấn đề nếu bạn chỉ cần một lớp trang điểm nhẹ nhàng để tôn lên những nét tự nhiên vốn có.
Nhưng nếu bạn luôn luôn cần quá nhiều kem nền, phấn phủ, kem che khuyết điểm, mi giả… với mục đích che đi nét tự nhiên vốn có của mình vì nghĩ rằng mình xấu xí, bạn không dám nhìn mình trong gương nếu tháo bỏ lớp trang điểm ra, thì bạn đang có có dấu hiệu về sự thiếu tự tin về bản thân.
Vì vậy, vấn đề không phải là chúng ta có nên trang điểm không, mà là tần suất và mức độ trang điểm đến đâu mới là vấn đề. Phụ nữ không cần trang điểm 24/7, không cần trang điểm quá đậm, bởi hoá chất từ các sản phẩm mỹ phẩm về lâu về dài sẽ gây ảnh hưởng đến da, và tai hại hơn sẽ gây ra sự phụ thuộc của chúng ta vào trang điểm.
Khảo sát nghiên cứu cho thấy rằng có một sự tỷ lệ thuận giữa việc trang điểm và sự tự tin của phụ nữ, phụ nữ càng trang điểm nhiều càng cho thấy sự thiếu tự tin, phụ nữ trang điểm ít thường có xu hướng tự tin hơn, cảm xúc ổn định hơn.
Dấu hiệu 3: Dáng đi, điệu bộ, cử chỉ rụt rè thiếu tự tin
Đây là một số biểu hiện bạn nên để ý nếu bản thân mình gặp phải: hay cúi gằm mặt, mắt không nhìn thẳng vào người khác mà có xu hướng né tránh, lưng gù xuống, dáng đi không thẳng, tay chân hay có những động tác thừa thãi (gãi tai, cắn móng tay…), bắt tay người khác một cách ẻo lả, nói nhỏ và không dứt khoát, có xu hướng ngồi co ro hoặc đứng khép nép trong đám đông.
Những ngôn ngữ cơ thể như vậy rõ ràng đang gửi đi một thông điệp đến cho mọi người rằng bạn đang không tự tin vào bản thân mình. Hãy dành vài phút mỗi ngày để tập trung cải thiện tư thế cơ thể bạn, tập tư thế ngồi thẳng lưng, đi ngẩng cao đầu, mắt nhìn thẳng vào nguời đối diện, bắt tay người khác thật chặt, nói to rõ ràng…
Dấu hiệu 4: Mọi thứ đến với mình chỉ là may mắn
Khi bạn đạt được một thành công, khi có một điều tốt đẹp xảy đến với bạn, bạn nói rằng chẳng qua bạn chỉ gặp may mắn. Sự thật là bạn đã làm việc rất chăm chỉ, đã phải cố gắng rất nhiều để đạt được thành công đó, bạn đã phải vận dụng trí thông minh, khả năng của mình để giải quyết công việc.
Nhưng bạn vẫn nghĩ rẵng mình không xứng đáng có được thành công đó, bạn vẫn nghĩ rằng thành công đó đến là do may mắn (yếu tố bên ngoài) chứ không phải do tài năng của bạn (yếu tố bên trong).
Sự thực thì thành công đúng là bao gồm cả yếu tố bên ngoài như có được sự trợ giúp của người khác, sự đúng thời điểm – sự gặp thời, nhưng phần lớn vẫn là do khả năng của bạn, do bạn biết nắm bắt cơ hội, do sự nỗ lực cố gắng, do tâm huyết và sự kiên trì của bạn…
Vì vậy, lần sau, hãy mỉm cười và tự nhủ với bản thân mình rằng “Tôi đạt được thành công này là do sử dụng chính năng lực của mình và tôi tự hào về điều đó”.
Dấu hiệu 5: Gượng gạo mỗi khi được người khác khen ngợi
Tương tự dấu hiệu 4, bạn không tự tin vào năng lực và giá trị của mình, nên mỗi khi được người khác khen chân thành, bạn không dám nhận. Người khác khen bạn xinh đẹp bạn né tránh và nói rằng “già rồi, xinh gì mà xinh”, người khác khen bạn mặc chiếc áo đẹp bạn nói rằng “áo cũ mặc sắp rách rồi còn khen”, người khác khen bạn giải quyết tình huống công việc tốt bạn nói rằng “đó là nhờ vào sự trợ giúp của đồng nghiệp mà thôi chứ một mình tôi sao tự giải quyết được”…
Trong những tình huống như này, hãy biết trân trọng chính bản thân mình và tự tin nói cám ơn mỗi khi nhận được lời khen của người khác nhé.
Dấu hiệu 6: Tự ái trước những lời góp ý của người khác
Bạn khóc lóc trong nhà vệ sinh khi bị sếp phê bình về việc bạn làm việc chưa tốt, bạn giận dỗi người yêu nếu anh ấy chê bạn nấu ăn chưa ngon, bạn cãi lại và phản kháng lại gia đình khi họ đưa ra những góp ý về cách cư xử chưa đúng của bạn.
Thay vì đón nhận những lời góp ý một cách khách quan thì bạn ngay lập tức phản ứng một cách tiêu cực theo kiểu xù lông nhím lên để bảo vệ mình.
Lần sau, nếu nhận được góp ý của người khác, dù lời góp ý đó có thể đúng hoặc sai, có thể chính xác hoặc sai lệch, nhưng đừng tỏ thái độ ngay lập tức, hãy hít một hơi sâu, đếm thầm trong đầu từ 1 đến 3, và cám ơn lời góp ý của họ và dành thời gian để phân tích nó trước khi đưa ra phản hồi của mình.
Dấu hiệu 7: Sợ nói ra ý kiến của mình
Nếu bạn luôn dĩ hoà vi quý, luôn sợ người khác mất lòng, sợ người khác không yêu quý mình bằng cách không nói ra những ý kiến và cảm xúc thật sự trong lòng. Đặc biệt khi bạn có những ý kiến trái chiều với người khác, bạn tránh đối thoại, tránh tranh luận.
Hoặc khi người khác làm gì khiến bạn không hài lòng, bạn cũng không dám nói ra để tránh xung đột. Bạn thà chịu thiệt đi một chút còn hơn phải thể hiện thái độ và suy nghĩ của mình cho người khác biết.
Ai cũng nên thành thật với cảm xúc của mình, lần sau, hãy cố gắng nói cho người khác suy nghĩ của bạn. Nếu đồng nghiệp của bạn đang đối xử bất công với bạn, hãy tỏ thái độ cho người đó biết rằng bạn sẽ không cho phép họ lấn lướt chèn ép bạn nữa. Nếu bạn và người yêu đang muốn đi du lịch, bạn thích đi biển còn anh ấy thích leo núi, hãy nói ra suy nghĩ của mình để chọn một nơi có cả biển và núi thay vì cố chiều theo sự lựa chọn của anh ấy.
Dấu hiệu 8: Thiếu quyết đoán dù là những quyết định đơn giản nhất
– Cậu muốn ăn gì? Mình không biết nữa, ăn gì cũng được.
– Cậu muốn mua chiếc áo màu xanh hay màu vàng? Mình không chắc màu nào hợp với mình hơn.
– Cậu muốn thi vào trường đại học nào? Mình chẳng biết phải chọn như nào, mình thích truyền thông nhưng mẹ mình bảo kế toán mới dễ xin việc.
Bạn có thấy những cuộc hội thoại như vậy rất quen không? Chúng ta ai cũng có những lúc thiếu quyết đoán như vậy, nhưng nếu bạn là người luôn luôn thiếu quyết đoán, không dám ra quyết định, luôn luôn chờ đợi người khác lựa chọn cho mình thì bạn cần phải thay đổi.
Khi ta không tin vào khả năng của bản thân, ta luôn cho rằng mình sẽ đưa ra những sự lựa chọn sai lầm, rồi sẽ dẫn đến những kết cục không mong muốn, vì vây chúng ta e dè và thiếu tự tin.
Lời khuyên tôi dành cho bạn là hãy hiểu bản thân mình, biết mình muốn ăn gì uống gì, màu gì hợp với làm da và vóc dáng của mình, nghề nghiệp nào phù hợp với tính cách và khả năng của mình.
Hãy có chứng kiến, dám đứng lên và nắm quyền kiểm soát cho cuộc sống của chính mình. Kể cả khi bạn quyết định sai lầm và mắc lỗi thì đó cũng không phải là ngày tận thế.
Dấu hiệu 9: Luôn giả vờ đọc tin nhắn trên điện thoại
Nhiều người lúng túng không dám bắt chuyện với người khác, họ thà giả vờ đọc tin nhắn điện thoại còn hơn phải dành thời gian nghĩ xem nên nói gì, thà có những người bạn ảo trên mạng còn hơn bạn thật ngoài đời, thà chat/ gửi tin nhắn còn hơn là nói chuyện trực tiếp?
Có nhiều lý do giải thích cho hành động đó, và thiếu tự tin là một nguyên nhân. Ta không tin rằng mình đủ thú vị để nghĩ rằng người khác muốn nói chuyện cùng ta. Ta không tin rằng ta có đủ kỹ năng giao tiếp để duy trì cuộc hội thoại với người khác. Hoặc cũng có thể ta mặc cảm vì ta không xinh đẹp, hấp dẫn, thành công như người đối diện nên không dám tự tin nói chuyện cùng họ.
Để vượt qua sự mặc cảm này, hãy thử tìm xem trong bữa tiệc có ai là bạn cũ/ đồng nghiệp/người quen không và bắt chuyện với họ trước thay vì một người lạ. Điều đó có thể sẽ làm bạn cảm thấy thoải mái hơn.
Nếu không quen ai, bạn có thể áp dụng cách của tôi, tôi hay mở đầu câu chuyện bằng cách: “Nhìn anh/ chị rất quen, có phải chị là A, làm ở công ty B không?”. Và họ (luôn luôn) trả lời rằng: “Không phải đâu, tôi là X làm việc ở công ty Y cơ, thế còn bạn thì sao?” Và thế là cuộc hội thoại của chúng tôi (luôn luôn) tiếp tục một cách khá tự nhiên.
Dấu hiệu 10: Nói dối để cảm thấy tốt hơn về bản thân mình
Đây là một hành động khá phổ biến khi ta mặc cảm với bản thân và nghĩ rằng mình không thú vị hoặc thấp kém hơn so với người khác. Ta nói dối rằng ta làm việc ở một tập đoàn lớn mức lương nghìn đô, thay vì nói rằng mình đang lẹt đẹt ở một công ty tư nhân sắp phá sản. Ta nói dối về thân thế và hoàn cảnh gia đình để mong được người khác chấp nhận là cùng đẳng cấp. Ta nói dối rằng ta có bạn trai đang đi du học để che dấu sự thật rằng ta chẳng có người bạn trai nào cả. Ta nói dối rằng ta rất mến người bạn đó mặc dù chẳng hề ưa họ chút nào. Ta nói rằng ta biết chơi đàn, biết vẽ, biết chụp ảnh, biết nấu ăn vì ta biết anh chàng đó thích tuýp người như vậy.
Bất cứ mối quan hệ lành mạnh nào cũng dựa trên nền tảng là sự chân thành. Mọi người sẽ yêu quý chúng ta hơn khi ta thành thật với chính bản thân mình và với người khác. Và chúng ta cũng không còn cảm thấy ghét bản thân khi biết chấp nhận con người thật của mình với những điểm không hoàn hảo.
Be First to Comment